Công điện 67 về Kế hoạch xây dựng nghị định phân quyền lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Thủ tướng (Hình từ internet)
Thủ tướng Chính phủ có Công điện 67/CĐ-TTg ngày 19/5/2025 yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Ngày 17/5/2025, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch 447/KH-CP về việc xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Để bảo đảm tiến độ và chất lượng triển khai, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch 447/KH-CP, trong đó:
- Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các mục đích, yêu cầu, nguyên tắc trong việc rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền và phân định nhiệm vụ quyền hạn của Chính quyền địa phương khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
- Rà soát tổng thể các luật chuyên ngành, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công để đề xuất phương án phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền cho chính quyền địa phương theo mô hình 02 cấp; thời hạn hoàn thành: ngày 19/5/2025.
- Xây dựng các dự thảo Nghị định để thực hiện phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; thời hạn hoàn thành: ngày 19/5/2025. Lấy ý kiến các địa phương và hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 25/5/2025.
- Rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trên lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp; thời hạn hoàn thành: ngày 23/5/2025.
- Chuẩn bị báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ nêu trên và các tài liệu, số liệu liên quan đến nội dung rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền thuộc ngành, lĩnh vực quản lý (trong đó bao gồm các dự thảo Nghị định và phụ lục kèm theo), báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trước ngày 20/5/2025 để phục vụ buổi làm việc của Phó Thủ tướng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng uỷ Chính phủ:
- Chỉ đạo hoàn thiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp (trong đó, nghiên cứu, rà soát hoàn thiện tiêu chí về sắp xếp các xã, phường, đặc khu) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
- Chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
- Khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng ở Trung ương phối hợp chặt chẽ với các địa phương tham mưu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp gần với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, bảo đảm đủ điều kiện, nguồn lực để thực hiện, nâng cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương;
- Rà soát chế độ, chính sách, lộ trình tinh giản biên chế, tính toán chi phí, cân đối ngân sách;
- Bảo đảm thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là người đứng đầu tập trung sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định về quản lý nhà nước, quản trị quốc gia, quản lý xã hội theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, tổ chức bộ máy của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân; nhiệm vụ trong giai đoạn tới là rất nặng nề và nhạy cảm nhưng cũng là cơ hội để các cấp, các ngành, các địa phương lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ. Điều chỉnh kịp thời, ban hành đồng bộ các quy định, hướng dẫn để các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị vận hành thông suốt, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo mô hình tổ chức mới.